Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 08 tôn giáo đang hoạt động, với 385 cơ sở tôn giáo, 502 chức sắc, 2.855 chức việc và trên 308.076 tín đồ, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh, gồm các tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành (có 04 hệ phái: Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Giáo hội Báp tít Việt Nam, Hội thánh Mennonite Việt Nam và Giáo hội Phúc âm Ngũ Tuần), Phật giáo Hoà Hảo, Cao Đài (có 07 hệ phái: Cao Đài Tiên Thiên, Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, Cao Đài Tân Chiếu Minh, Cao Đài Thượng Đế, Cao Đài Chiếu Minh Giáo Tòa và Cao Đài Thống Nhất), Phật hội Tứ ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam và Minh Sư Đạo. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 02 tổ chức Tin lành đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo (Tin lành Liên hiệp Truyền giáo và Tin lành Phúc âm Toàn vẹn) và 10 tổ chức, nhóm, phái Tin lành chưa được Nhà nước công nhận đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo tập trung với 17 điểm nhóm, 562 tín đồ.
Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là một bộ phận của quản lý nhà nước, là một nhiệm vụ quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Sở Nội vụ phối hợp các ngành có liên quan và chính quyền địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để chức sắc, tín đồ các tôn giáo được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện các lễ nghi trong khuôn khổ quy định của pháp luật, quan tâm, chấp thuận cho các tổ chức giáo hội tổ chức các ngày lễ đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh như: Lễ Phật đản, Vu Lan của đạo Phật; lễ Phục sinh, Giáng sinh của đạo Công giáo, đạo Tin lành; lễ vía Đức Chí tôn, lễ khai đạo của Đạo Cao đài; lễ Khai đạo, Lễ Đản sinh Đức Huỳnh Giáo chủ của Đạo Phật Giáo Hòa hảo; lễ Phật đản và Hội nghị thường niên Ban Y tế phước thiện, kỷ niệm ngày viên tịch của Đức Tông sư Minh trí – Giáo chủ Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam…
Phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh giải quyết các nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của các tôn giáo nhất là trong hỗ trợ, giải quyết các nhu cầu về đất đai, cơ sở thờ tự. Từ năm 2013 đến nay, đã có 34 cơ sở tôn giáo được giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tính đến nay có tổng số 350/385 cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt tỷ lệ 90,9%; 179 công trình tôn giáo, công trình phụ trợ được cấp giấy phép xây dựng; chấp thuận thành lập 12 cơ sở tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức và cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh được khuyến khích, đem lại hiệu quả tích cực.
Nhằm tạo sự ổn định trong sinh hoạt và hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn đúng theo quy định pháp luật. Hàng năm, Sở Nội vụ đã phối hợp mở lớp tuyên truyền phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ làm công tác tôn giáo; chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tỉnh. Tính từ năm 2010 đến nay, Sở đã tổ chức tuyên truyền 289 cuộc (124 cuộc cho CBCC, 165 cuộc cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo), có 39.769 lượt người dự ( 16.609 lượt CBCC, 23.160 lượt CS,CV, tín đồ). Song song đó, Sở luôn chủ động, tích cực phối hợp cùng giáo hội các tôn giáo tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, hưởng ứng các cuộc vận động, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đồng thời, hàng năm vào các ngày lễ trọng của các tôn giáo, Sở Nội vụ thành lập đoàn thăm hỏi, động viên chức sắc, chức việc sống tốt đời đẹp đạo, sinh hoạt và hoạt động tôn giáo đúng theo quy định của pháp luật, kiên quyết đấu tranh các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, lợi dụng chia rẽ tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Công tác phối hợp đấu tranh chống lợi dụng hoạt động tôn giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Sở Nội vụ chủ động phối hợp với các ban, ngành và địa phương liên quan thống nhất các phương án giải quyết; tích cực tuyên tuyền và phân tích cho đồng bào hiểu rõ những chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các tôn giáo, cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đấu tranh xóa bỏ các tà đạo, các tổ chức bất hợp pháp tuyên truyền trái phép vào địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định cần khắc phục đó là: Sự phối hợp giữa các Sở, ban ngành liên quan và địa phương trong quá trình thực hiện chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ, linh hoạt. Công tác nắm tình hình, đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề phức tạp ở cơ sở dù có nhiều tiến bộ nhưng có một số địa phương còn lúng túng và bị đọng, một số vụ việc xảy ra ở địa phương không phát hiện kịp thời để xử lý ngăn chặn ngay từ đầu hoặc báo cáo kịp thời về cấp trên để được hướng dẫn giải quyết.
Cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo nhất là ở cơ sở vẫn còn bất cập, đa số là kiêm nhiệm, mới, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác tôn giáo chưa nhiều, nên còn thiếu chủ động, lúng túng trong công tác tham mưu.
Có thể nhận thấy nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một vài địa phương còn xem nhẹ công tác QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo nên thiếu sự quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, thiếu sự phối hợp; việc tham mưu, đề xuất giải quyết các vụ việc liên quan đến tôn giáo có lúc, có nơi còn chậm, xử lý chưa kịp thời dẫn đến hiệu quả trong công tác quản lý chưa cao.
Từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm như:
Thứ nhất, Cấp ủy, chính quyền các cấp phải luôn quan tâm làm tốt công tác quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức về quan điểm, chính sách đối với tôn giáo, nhận thức rõ:“nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”; “công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”. Đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tín đồ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đôi quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ hai, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong thực hiện quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quan tâm giải quyết các nhu cầu chính đáng của các tôn giáo kịp thời, hợp tình, hợp lý, có như thế mới tạo được niềm tin của các chức sắc, chưc việc, tín đồ các tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của nhà nước, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đấu tranh phòng chống các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi nào nhận thức đúng về công tác tôn giáo thì nơi đó thực hiện công tác tôn giáo đạt hiệu quả.
Thứ ba, thường xuyên củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác tôn giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nhằm tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà thời gian tới, cần tập trung một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Hai là, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Ba là, chủ động, tích cực trong công tác tiếp xúc, vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo; vận động tham gia đầy đủ các phong trào do MTTQ và địa phương phát động.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo;
Năm là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo các cấp.
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo.
Mong là với sự chung tay của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác tín ngưỡng, tôn giáo, sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, sẽ ngày càng củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà không ngừng phát triển, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu"Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Nguyễn Văn Hồng Quân